Hình thành và phát triển Vương_quốc_Sunda

Theo một tài liệu cổ có tên Wangsakerta, thì Tarusbawa của nước Sunda Sambawa được vua Tarumanagara gả con gái cho và sau đó được chọn làm người kế vị ngai vàng của Tarumanagara vào năm 669. Lúc này Tarumanagara đã suy yếu. Muốn khôi phục đất nước được vinh quang như nước Sundapura xưa, ông đổi tên nước từ Tarumanagara thành Sunda. Năm 670, Tarusbawa buộc phải chia đất nước thành hai phần, phần phía đông sông Tarum (Citarum) cho vua của Galuh, một thuộc quốc cũ của Tarumanagara, còn ông tiếp tục cai trị phần còn lại. Việc chia nước dễ dàng này khiến cho quan hệ giữa Sunda và Galuh tốt đẹp.

Khi vua Tarusbawa qua đời, cháu nội ông là công chúa Tejakencana lên kế vị. Cha của công chúa qua đời còn trước cả ông nội bà. Công chúa lại kết hôn với hoàng tử Rakeyan Jamri, con của Bratasenawa vua Galuh. Năm 723, Rakeyan Jamri lên làm vua Sunda. Sau đó ông đồng thời làm vua của Galuh và xưng là Sanjaya. Tuy hai nước không thống nhất lại thành một, nhưng việc một người làm vua hai nước đã tạo nên một liên hiệp.

Quan hệ giữa Sunda và Galuh tương đối kỳ lạ như vậy. Đôi khi, hai nước cùng do một vị vua trị vì; và đôi khi mỗi nước một vua. Những lúc hai nước chung một vua là dưới thời:

  • Sanjaya (723 – 732) đóng đô ở Kawali Galuh (thị trấn Ciamis ngày nay)
  • Tamperan hay Rakeyan Panaraban (732 - 739) đóng đô ở Kawali Galuh
  • Wuwus (819 – 891) đóng đô ở Pakuan (thành phố Bogor ngày nay)
  • Darmaraksa (891 – 895) đóng đô ở Pakuan
  • Prabu Guru Darmasiksa, đóng đô ở Sawunggalah (thành phố Kuningan ngày nay)
  • Rakeyan Jayadarma đóng đô ở Kawali
  • Prabu Ragasuci (1297–1303) đóng đô ở Saunggalah
  • Prabu Citraganda (1303–1311) đóng đô ở Pakuan
  • Prabu Lingga Dewata (1311–1333) có lẽ đóng đô ở Kawali
  • Prabu Ajiguna Wisesa (1333–1340) đóng đô ở Kawali.
  • Prabu Maharaja Lingga Buana (1340–1357) đóng đô ở Kawali
  • Prabu Mangkubumi Suradipati/Prabu Bunisora (1357–1371) đóng đô ở Kawali
  • Prabu Raja Wastu/Niskala Wastu Kancana (1371–1475) đóng đô ở Kawali
  • Sri Baduga Maharaja (1482 to 1521) đóng đô ở Pakuan

Rakeyan Jayadarma là con rể của Mahisa Campaka, vua nước Singharari và Sangrama Wijaya (hay Raden Wijaya) - người sáng lập vương quốc Majapahit chính là con ông. Đây là lý do tại sao giữa Sunda và Majapahit có quan hệ tốt đẹp, mặc dù tể tướng Gajah Mada của Majapahit luôn muốn sáp nhập Sunda vào Majapahit. Theo sách Kidung Sunda, Gajah Mada đã lên một kế hoạch theo đó vua Majapahit là Hayam Wuruk giả xin cưới công chúa Sunda. Vua Prabu Maharaja Lingga Buana của Sunda tin là thật và cử một đoàn hoàng tộc đông đảo đưa dâu tới kinh đô Majapahit. Đích thân nhà vua dẫn đầu đoàn. Tại Majapahit, Gajah Mada tuyên bố vua Sunda phải đầu hàng, phải chấp nhận để Sunda làm thuộc quốc của Majapahit và công chúa chỉ được làm thiếp của vua Hayam Wuruk thay vì làm hoàng hậu. Vua Prabu Maharaja Lingga Buana đã cự tuyệt đề nghị và dũng cảm chiến đầu với đoàn quân Majapahit xông đến. Toàn đoàn hoàng tộc Sunda đã bị Gajah Mada cho quân sát hại. Công chúa của Sunda tự vẫn. Vua Prabu Maharaja Lingga Buana được người Sunda tôn vinh là anh hùng.

Đến thời vua Sri Baduga Maharaja, năm 1482, kinh đô của Sunda được dời về Pakuan (thành phố Bogor ngày nay). Năm này được xem là năm thành lập thành phố Bogor mặc dù thực tế là các vua thứ ba và thứ tư của Sunda đã từng đóng đô ở đây. Giữa Pakuan và thành phố cảng Sunda Kalapa (thủ đô Jakarta ngày nay) có một con đường đi lại khá thuận tiện. Vua Sri Baduga Maharaja đã có nhiều chính sách làm cho Sunda hưng thịnh. Thời ông trị vì chính là thời kỳ hoàng kim của Sunda.